Tên các loại búp bê Nhật Bản – búp bê truyền thống
Búp bê truyền thống Nhật Bản không chỉ là nét đẹp văn hóa của người Nhật mà đã trở thành món quà ý nghĩa mà nhiều người trên thế giới thích thú.
Ngoài những lễ hội truyền thống và hiện đại nổi tiếng, Nhật Bản còn nổi tiếng với lễ hội búp bê truyền thống hàng năm. Vậy có những loại búp bê truyền thống Nhật Bản nào được trưng bày trong lễ hội?
Đối với người Nhật Bản, búp bê là đại diện cho chính con người họ, mang tính chất, phẩm giá như những con người của đất nước mặt trời mọc.
Do đó, chiêm ngưỡng búp bê của Nhật Bản, người xem cũng thấy được cảnh tượng thiên nhiên cũng như cuộc sống, sắc thái văn hóa của người Nhật, từ cung đình đến dân dã: búp bê Hatsumode trong hình ảnh cô gái đi lễ chùa đầu xuân, búp bê công chúa với bộ kimono 18 lớp, búp bê cung đình với hình ảnh cung nữ đang chơi đàn biwa, búp bê Kyoto thể hiện cho TP Kyoto, búp bê Hoàng Thái tử…
Một trong những mục đích lớn nhất của búp bê truyền thống Nhật Bản là làm quà tặng cho trẻ em nhân Lễ hội bé gái ngày 3/3 và Lễ hội bé trai ngày 5/ 5, với ý nghĩa bảo hộ cho các em bé đó. Ngoài ra, còn có những loại búp bê để trừ tà ma, bệnh tật…
Trước đây người Nhật chơi búp bê theo đúng nghĩa, tức là đặt mua những con búp bê làm sẵn, mang về may quần áo và thay đổi quần áo cho búp bê theo sở thích hoặc theo những dịp đặc biệt nào đó.
Tuy nhiên, hiện nay búp bê chỉ đơn thuần để trưng bày với ý nghĩa văn hóa, tâm linh. Người Nhật thưởng búp bê như thưởng hoa vậy.
Để chế tạo một búp bê cần 20 – 30 người tham gia: người làm khuôn, người may trang phục, người vẽ mặt, người tạo kiểu tóc… Trong khi đó, công việc phục chế búp bê có thể thực hiện một mình và tốn ít thời gian hơn.
Người Nhật quan niệm, búp bê có linh hồn và sức mạnh nên nghệ nhân phục chế chính là người đánh thức linh hồn cho búp bê. Ngoài những kỹ năng tổng hợp, người làm công việc phục chế búp bê phải “biết trân trọng, nâng niu, vui buồn cùng búp bê”, “thay vì chỉ ngắm nhìn búp bê, tôi luôn muốn mọi người cùng nói chuyện với búp bê”.
Dưới đây là 10 loại búp bê truyền thống Nhật Bản nổi tiếng nhất
- Búp bê Kokeshi
Búp bê Kokeshi là loại búp bê thủ công xuất hiện ở Nhật Bản từ những năm 1600, thời kì Edo.
Là loại búp bê được làm từ gỗ và thường không có tay chân, chỉ có một cái đầu lớn và cơ thể hình trụ và mang hình dạng cô gái nhỏ. Loại búp bê này vốn là đồ chơi của trẻ em nhà nông. Tuy nhiên, cho đến nay thì búp bê Kokeshi trở thành một món đồ lưu niệm Nhật bản được khách du lịch Nhật Bản yêu thích và chọn mua trong các hành trình, một món hàng mỹ nghệ nổi tiếng bậc nhất tại Nhật Bản.
Gương mặt búp bê chỉ được vẽ vài nét với ba màu chính yếu là đỏ, đen và vàng. Búp bê Kokeshi một thời được bán như là quà lưu niệm cho khách du lịch ở miền Bắc Nhật Bản.
- Búp bê Hina
Búp bê Hina có nguồn gốc từ thời Heian (794 – 1185), có thân hình chóp tinh xảo với nhiều lớp vải bọc cầu kì quanh một khối hình làm bằng rơm hay gỗ.
Búp bê Hina không chỉ là búp bê đại diện cho các bé gái mà còn là biểu tượng cho vua và hoàng hậu cùng những cận thần. Một bộ búp bê Hina đầy đủ phải có ít nhất 15 con trong trang phục truyền thống, thể hiện đủ tính cách, đặc biệt sẽ có ít nhất một cặp búp bê nam và nữ tượng trưng cho Nhật hoàng và Hoàng hậu.
Những con búp bê trong một bộ được sắp xếp theo một trật tự nhất định. Tầng đầu tiên là vua chúa, tầng thứ hai là ba cung nữ, tầng thứ ba là năm nhạc công nam, tiếp theo là hai đại thần, tầng năm cuối cùng là hộ vệ cho vua chúa.
Búp bê Hina được đặt trên bục lót thảm đỏ sang trọng. Búp bê Hina gắn liền với lễ hội Hina Matsuri – Lễ hội cho các bé gái Nhật Bản – diễn ra vào ngày 3 tháng Ba.
- Búp bê Teru teru Bozu
Trong tiếng Nhật “Teru” có nghĩa là nắng còn “bouzu” là pháp sư nhưng ngày xưa bé trai Nhật thường để đầu trọc nên chúng ta có thể dịch là cậu bé để đầu trọc. Cái tên Teru teru bouzu có nghĩa là cậu bé nắng hay người Việt thường gọi là Búp bê thời tiết.
Teru teru bozu trở nên phổ biến từ thời kỳ Edo khi mà trẻ em thành thị thường treo nó lên để cầu nguyện thời tiết tốt cho hôm sau.
Teru teru bouzu rất dễ làm và thường được làm bằng khăn giấy hay vải bông. Teru teru bouzu thì không con nào giống con nào bởi vì mỗi con có một cách trang trí khác nhau nhưng chúng đều có một công dụng là như một lá bùa để cầu nguyện cho một ngày có thời tiết như ý muốn. Teru teru bouzu được trẻ em treo thành hàng ở hiên nhà hay cửa sổ. Và thường trước những buổi cắm trại, búp bê cầu mưa luôn được treo để cầu cho một buổi cắm trại nắng ấm.
Teru teru bouzu gắn với một sự tích buồn được lưu truyền trong dân gian Nhật Bản. Đó là câu chuyện về một nhà sư hứa với nông dân là trời sẽ ngừng mưa và mang đến thời tiết đẹp, khi đó đang có những cơn mưa lớn kéo dài và phá hoại mùa màng. Nhưng nắng đã không đến, mùa màng thất bát, nhà sư đã bị hành hình.
Teru teru bouzu được phổ nhạc với cái tên bài hát chính là tên của nó được tạm dịch là:
” Cậu bé nắng ơi cậu bé nắng
Xin hãy làm cho ngày mai trời đẹp nhé
Đến khi nào trời hửng nắng
Tớ sẽ cho cậu một cái chuông bạc
Cậu bé nắng ơi cậu bé nắng
Xin hãy làm cho ngày mai trời đẹp nhé
Nếu cậu nghe được lời cầu xin của tớ
Tớ sẽ cho cậu uống rượu sake ngọt
Cậu bé nắng ơi cậu bé nắng
Xin hãy làm cho ngày mai trời đẹp nhé
Nếu ngày mai trời mưa u ám
Thì tớ sẽ ngắt đầu cậu đấy”
- Búp bê Daruma
Búp bê Daruma là một loại búp bê truyền thống rất nổi tiếng, nó tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng và ước mơ và gắn liền với các ngày lễ tết. Một trong những đặc trưng được ưa chuộng nhất của Búp bê Daruma là cái hình thể khiến nó có thể bật dậy ngay sau khi bị ngã (giống con lật đật), điều đó có ý nghĩa rằng ngay cả khi chúng ta sa cơ thất thế, chúng ta vẫn có thể vươn lên.
Búp bê có hình dáng nhỏ nhắn, khỏe khoắn, chắc bền này đã xuất hiện vào thế kỉ thứ 18. Chúng được bày bán ở các cửa hàng thường không có mắt, người Nhật khi mua nó về sẽ vẽ một con mắt vào Daruma khi họ ước điều gì đó, con mắt kia chỉ được vẽ vào khi điều ước của họ đã trở thành sự thật.
Ở nhiều vùng khác nhau thì búp bê Daruma sẽ được tô màu khác nhau. Búp bê này là biểu tượng của vị tổ sư nhà Phật – Bồ Đề Lạt Ma – ở Trung Quốc. Người đời ngày nay vẫn kể cho nhau nghe sự tích 9 năm thiền định nổi tiếng của Bồ Đề Lạt Ma. Trong 9 năm liền, ông chỉ chăm chăm nhìn tường và được những người thời bấy giờ gọi là ông sư Bà La Môn nhìn tường.
- Búp bê Gosho
Búp bê Gosho thường cởi trần nhằm khắc họa những em bé tròn trịa, mũm mĩm, đáng yêu. Loại búp bê này được chạm trổ từ gỗ cây liễu và được trang trí với những mảnh trang phục nhỏ.
Búp bê Gosho thường cởi trần nhằm khắc họa những em bé tròn trịa, mũm mĩm, đáng yêu
Búp bê Gosho cực kì đẹp này là người bạn cùng thời với búp bê Hina – xuất hiện vào khoảng thời kì Heian. Cái tên Gosho mang ý nghĩa “cung điện” nên búp bê được xem là món quà danh giá mà triều đình ban tặng cho các chư hầu thời phong kiến vì sự trung thành phục dịch.
Búp bê được làm ra không có tóc nhưng có hai chỏm tóc nhỏ hai bên. Dù khi đi tham quan Nhật Bản, bạn vô tình nhìn thấy búp bê Gosho có tóc, nhưng loại đầu trọc mới là loại truyền thống. Búp bê được mặc những trang phục màu sáng, tươi mát nhưng có loại không mặc gì cả.
- Búp bê Kimekomi
Xuất hiện từ những năm 1700 với nơi khai sinh là đền Kami Kamo ở Kyoto. Búp bê Kimekomi truyền thống được làm từ những mẩu gỗ đẽo gọt, chạm trổ, còn với những búp bê Kimekomi hiện đại thì là bọt chất dẻo. Khuôn mặt của những loại búp bê này thường được khắc họa vẻ đẹp cổ điển với mái tóc đen huyền, khuôn mặt tròn, bầu bĩnh.
Búp bê Kimekomi là hình ảnh đại diện cho những thiếu nữ Nhật thời xưa, dịu dàng, e ấp trong bộ kimono truyền thống. Ngày nay, búp bê này là một sản phẩm mỹ nghệ phổ biến với những chiếc đầu búp bê với nhiều kiểu tóc đa dạng khác nhau có thể được mua tách rời để về ghép vào nhau.
- Búp bê Gogatsu
Búp bê Gogatsu búp bê dành cho những bé trai trong gia đình, thường được bày trí trên bàn thờ vào ngày Tết Bé trai với ý nghĩa cầu chúc các bé mau lớn, khoẻ mạnh. Búp bê của bé trai có hình dáng của lực sĩ hoặc chiến binh dũng mãnh.
Với hình tượng một chiến binh dũng mãnh, búp bê Gogatsu gợi nhắc đến phần tính cách dũng cảm, mạnh mẽ của bạn và hình ảnh bộ giáp là hình ảnh của sự quan tâm của bố mẹ dành cho con trai mình chăm chút cho cậu bé bộ giáp để tự lập trưởng thành. Khả năng chịu áp lực tốt, ý chí trách nhiệm cao cũng là vài tính cách tiềm ẩn của bạn được Gogatsu gửi gắm trong đó.
Ngày nay, vào ngày 5/ 5 hàng năm, người Nhật thường tổ chức lễ hội cho bé trai. Họ tặng các bé trai những đồ vật may mắn này và trưng bày trong gia đình vô cùng ý nghĩa.
- Búp Bê Musha
Búp bê Musha được chế tác cầu kỳ vì búp bê này thường được khắc họa trong các tư thế sinh động như nếu ngồi phải có ghế, đứng hay đang cưỡi ngựa phải kèm theo áo giáp, mũ đội đầu và vũ khí, những thứ này được làm bằng giấy quét sơn mài hoặc đúc kim loại.
Búp bê Musha đã cực kì phổ biến từ thế kỉ 17. Búp bê mặc áo giáp đen, có đội mũ, đeo vũ khí này là đại diện cho những chiến binh thời chiến, gợi nhớ lại phần nào lịch sử vàng son của võ thuật Nhât Bản. Gần đây, các nghệ nhân Nhật Bản đã tạo gương mặt búp bê Musha có nét ngây thở, bụi bẫm của một bé trai thay vì hình ảnh chiến binh oai hùng như trước.
Búp bê được làm cùng chất liệu với búp bê Hina. Như búp bê Hina đồng hành với ngày lễ hội cho các bé gái, búp bê Musha không thể thiếu vào ngày hội bé trai – ngày 5 tháng Năm ở Nhật Bản.
- Búp bê Karakuri
Theo như truyền thống, búp bê Karakuri được làm từ gỗ và có ba loại bao gồm búp bê Karakuri phòng trà, búp bê Karakuri lễ hội và búp bê Karakuri sân khấu. Những búp bê Karakuri có thể làm đủ thứ chuyện, như dâng trà, nhảy múa và thôi miên.
Búp bê Karakuri là dạng nửa búp bê, nửa người máy. Nước Nhật Bản vào khoảng chừng thế kỉ 18 đã từng bị “khuấy động” bởi phát minh vô cùng kì lạ này. Những con người máy tự động Karakuri là một đại diện tiêu biểu của sự sáng tạo nghệ thuật dung hòa giữa mỹ thuật và máy móc thông qua sự hoạt động, lắp ráp chính xác, chỉnh chu của các cơ quan bên trong gồm dây cót, bánh răng.
- Rối Bunraku
Rối Bunraku có nguồn gốc từ Osaka từ những năm 1680, dùng trong sân khấu kịch nghệ hiện đại. Búp bê được đẽo gọt tinh vi, cẩn thận từ gỗ và sơn bằng tay và vì thiết kế cực kì công phu, phức tạp, tay chân và đầu búp bê phải do nghệ nhân giàu kinh nghiệm đảm nhận. Chính vì thế, rối Bunraku sẽ có một màn biến hóa, chuyển đổi từ mặt người sang mặt quỉ chỉ trong một vở kịch vô cùng ngạc nhiên. Những người điều khiển rối sẽ chịu trách nhiệm khâu thiết kế, tạo thân rối và trang phục – một sự kết hợp hài hòa giúp những con rối thêm sức sống hơn.
Nội dung được tổng hợp bởi nozomi.edu.vn ( Shop Gốm Nhật sưu tầm )
Comments are closed.